Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Họp bàn Nâng cao công tác chăm sóc mắt cho người khiếm thị


 Ngày 3/1, tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Tổ chức quốc tế CBM tổ chức hội thảo “Chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị”.

Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 1992 thì một người được gọi là khiếm thị khi chức năng thị giác của người đó bị giảm nặng, thậm chí ngay cả khi đã được điều trị tật khúc xạ tốt nhất nhưng thị lực ở mắt chỉ ở mức dưới 6/18 cho đến còn phân biết sáng tối và/hoặc thị trường bị thu hẹp dưới 100 kể từ điểm định thị.



Khiếm thị có thể do rất nhiều bệnh lý hay những bất bình thường của con mắt gây ra. Một số nguyên nhân thường gặp như: bệnh cận thị cao, sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh, bệnh võng mạc sắc tố, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thoái hóa đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm, bệnh glôcôm, bệnh bạch tạng… Tùy thuộc vào mức độ của bệnh có thể gây khiếm thị ở mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.



 Hội thảo "Chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị"
diễn ra ngày 3/1 tại Hà Nội. Ảnh: VA


TS. Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, khác với những người mù, người khiếm thị là người sau khi đã điều trị tốt nhất thì thị lực ở mắt cũng ở mức mức kém, tương đương 3/10, tuy nhiên họ vẫn còn khả năng để sử dụng và thích nghi với phần thị giác ít ỏi của mình.
Theo ước tính của WHO, số người khiếm thị nhiều gấp 3 lần số người mù, như vậy số người khiếm thị trên cả nước ước khoảng trên 2 triệu người. Cũng theo kết quả của một nghiên cứu tại 16 đơn vị trong khu vực Hội Người mù Hà Nội thì trong số 267 người khiếm thị, số người khiếm thị mức độ rất nặng chiếm tỷ lệ cao nhất (61,2%), qua đây cho thấy điều kiện kinh tế của những người khiếm thị rất khó khăn khiến họ không có khả năng điều trị bệnh mắt một cách triệt để, hậu quả họ phải gánh chịu là mức độ di chứng của bệnh trở nên nặng nề…

Trên thế giới, số lượng người khiếm thị lớn tuổi do bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già đang gia tăng, bởi vậy việc phục hồi chức năng thị giác trở thành vấn đề thời sự. Thêm nữa, ở những nước phát triển, xã hội rất quan tâm đến những người khuyết tật trong đó có người khiếm thị, tất cả những công trình công cộng đều có chỗ dành riêng cho người khuyết tật, người ta xây dựng những trung tâm phục hồi chức năng dành riêng cho người khiếm thị.

Còn ở Việt Nam, công tác phòng chống phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị bắt đầu được khởi xướng từ năm 1999 tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Tuy nhiên, từ đó tới nay do công việc phòng chống mù lòa còn nặng nề nên lĩnh vực này chưa thực sự được quan tâm.

“Hiện nay, số người khiếm thị chưa được quan tâm chăm sóc mắt và phục hồi chức năng nhiều do Hội người mù chỉ trú trọng vào công tác hướng nghiệp và xóa mù bằng chữ nổi, mà ít quan tâm tới công tác phục hồi chức năng, đặc biệt đối tượng trẻ khiếm thị nếu không có sự can thiệp sớm thì trẻ khiếm thị sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong xã hội và cuộc sống. Việc chăm sóc cho trẻ khiếm thị đòi hỏi sự phối hợp, quan tâm của xã hội-nhà trường-gia đình-y tế” – TS Hiền chia sẻ.

Từ thực tiễn, Bệnh viện Mắt Trung ương được sự tài trợ, hỗ trợ của Tổ chức CBM đã xây dựng Dự án “Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị”. Đây là dự án đầu tiên với mô hình chăm sóc mắt và phục hồi chức năng được thực hiện tại cơ sở nhã khoa ở Việt Nam dành cho người khiếm thị. Những đối tượng trực tiếp mà Dự án này triển khai gồm: Những trẻ khiếm thị sẽ được khám, chỉ định các phương pháp trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng tự phục vụ để có thể theo học hòa nhập tại trường bình thường. Những người khiếm thị trưởng thành và người khiếm thị lớn tuổi; Can thiệp sớm và tư vấn cho gia đình trẻ bị bệnh võng mạc trẻ đẻ non.

Dự án triển khai từ tháng 1/2012, và trong những năm tiếp theo, CBM sẽ tiếp tục phối hợp với Bệnh viện này thúc đẩy các hoạt động trên, với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sốn cho người khiếm thị, giúp cho những người khiếm thị tại các vùng có dự án được chăm sóc, phục hồi chức năng đến năm 2015.

Dự án trên đã triển khai một số hoạt động cụ thể như: hoạt động khám và tư vấn phục hồi chức năng tại trung tâm, đào tạo phục hồi chức năng cho người khiếm thị, triển khai các hoạt động tại cộng đồng, triển khai các hoạt động truyền thông đại chúng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét