Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Những lo lắng của bà bầu



Khi mang thai, mẹ bầu thường hay lo lắng (Hình minh họa)
Khi mang thai, bạn có lo lắng những điều này?

Cảm giác mang thai lần đầu với các bà mẹ trẻ thật kỳ diệu và hồi hộp khôn tả. Bất cứ điều gì xảy ra khác thường với bản thân cũng đều làm mẹ hoang mang và lo lắng. Hãy cùng Eva giải mã những hiện tượng này nhé.



1. Sẩy thai

o lắng: Trong 5 tuần mang thai, tôi bị chuột rút nhẹ và ra ít máu. Tôi đi khám, bác sĩ nói rằng em bé trong bụng vẫn còn hơn 50% cơ hội. Bây giờ đã là 7 tuần, tôi không còn thấy đau bụng và ra máu nữa nhưng tôi vẫn rất lo lắng.

Lý giải: Điều này có thể xảy ra do sự thay đổi nội tiết trong thời kì đầu mang thai. Có khoảng 1/3 số phụ nữ mang thai có hiện tượng chảy máu âm đạo trong thai kì nhưng hầu hết đều không bị sảy thai. Hầu hết hiện tượng này là do quá trình trứng làm tổ trong tử cung.

Với một số phụ nữ nên chú ý khi thấy hiện tượng chảy máu trong thời kỳ mang thai, bởi đó có thể là do bị sướt cổ tử cung gây ra. Chảy máu nhẹ cũng có thể xuất hiện sau khi bạn quan hệ tình dục.

Dù vậy, khi gặp hiện tượng này, bạn nên đến khám bác sĩ để có câu trả lời chính xác vì cũng không thể khẳng định hiện tượng này không dẫn đến sảy thai. Nếu bạn phát hiện chảy máu ở âm đạo cùng những cơn đau co thắt mạnh hoặc chuột rút thì cần gọi ngay cho bác sĩ.

2. Dịch xả âm đạo lạ

Lo lắng: Tôi mang thai được 16 tuần và bị ra dịch âm đạo màu xanh lá cây nhạt, trông gần giống như huỳnh quang. Tuy không có mùi lạ, nhưng tôi rất lo lắng. Liệu điều này có bình thường hay không?

Lý giải: Đây là một hiện tượng bình thường của thai kỳ khi dịch xả không mùi và có màu nhạt. Điều này cũng phổ biến hơn trong thời kỳ mang thai do có sự thay đổi mức độ axit trong âm đạo, thông thường dịch xả có màu trắng đục hoặc hơi vàng, không mùi hoặc có mùi nhẹ. Tuy nhiên, nếu bạn thấy dịch xả âm đạo của mình ra nhiều nước, có dính máu hoặc có mùi khó chịu, hãy đi khám ngay nhé.



Hãy đi khám ngay khi âm đạo có nhiều nước, có dính máu hoặc mùi khó chịu nhé (Hình minh họa)

3. Yêu cầu sinh mổ

Lo lắng: Em bé trong bụng tôi khá lớn. Liệu tôi có thể yêu cầu sinh mổ?

Lý giải: Các bác sĩ được hướng dẫn cần phải xem xét kỹ những yêu cầu sinh mổ của bệnh nhân và họ sẽ không đồng ý với bạn ngay. Hãy nói chuyện với bác sĩ và đưa ra những lý do phù hợp khi bạn muốn sinh mổ.

4. Bé cử động ít

Lo lắng: Tôi mang thai 27 tuần và trong những ngày gần đây tôi đã không cảm thấy bé cử động nhiều như bình thường. Liệu tôi có nên đi kiểm tra?

Lý giải: Khi thai nhi ở tuần thứ 27, thông thường bạn sẽ cảm thấy bé yêu di chuyển ít nhất 10 lần trong 24 giờ. Lúc này bé đã đi ngủ và thức dậy có giờ giấc. Có thể đã có sự thay đổi trong thời gian thức và ngủ của bé. Bạn có thể thay đổi tư thế ngồi, nằm hoặc uống nước lạnh để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, nếu cảm thấy lo ngại, bạn hãy đến bệnh viện và kiểm tra để yên tâm nhé.

5. Uống rượu

Lo lắng: Tôi vừa phát hiện ra mình có thai, nhưng trước đó tôi đã uống rượu vài lần. Điều này có ảnh hưởng tới thai nhi của tôi không?

Lý giải: Đừng quá lo lắng. Đã có nhiều phụ nữ rơi vào tình trạng tương tự nhưng khi phát hiện ra mình có thai, họ đã cố gắng giữ gìn sức khỏe thật tốt nên em bé sinh ra vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Lý tưởng nhất, bạn nên tránh xa rượu hoàn toàn khi đang mong muốn có thai và đang mang thai.

Tuy nhiên, khi uống rượu là một thói quen khó bỏ, bạn vẫn có thể uống 1 – 2 ly rượu mỗi tuần, nhưng tốt nhất là hãy chờ đợi qua 12 tuần đầu thai kỳ. Hãy nhớ, lúc này quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của mẹ và bé.

6. Ăn patê gan

Lo lắng: Tôi đã có bầu trong một dịp đi du lịch cùng chồng. Tôi rất lo lắng bởi vì tôi đã ăn nhiều patê gan. Liệu điều đó có làm ảnh hưởng tới con tôi không?

Lý giải: Khi mang thai tốt nhất nên tránh tất cả các loại patê nói chung bởi vì chúng có thể mang đến một vài loại vi khuẩn gây hại cho em bé của bạn. Gan và các sản phẩm từ gan cũng nên tránh vì chúng chứa hàm lượng vitamin A cao, có thể gây hại cho thai nhi. Nếu cảm thấy lo lắng, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện thăm khám trực tiếp và nhận lời khuyên từ bác sĩ nhé.

7. “Chuyện ấy” ảnh hưởng xấu tới thai nhi?

Lo lắng: Trước khi phát hiện mình mang thai, “chuyện ấy” của vợ chồng tôi vẫn diễn ra đều đặn. Tôi lo lắng “chuyện ấy” sẽ ảnh hưởng xấu tới em bé.

Lý giải: ‘Chuyện ấy’ được cho là hoàn toàn an toàn với hầu hết những cặp vợ chồng mang thai giai đoạn đầu. Bác sĩ của bạn sẽ cho bạn biết những trường hợp mang thai không nên quan hệ tình dục như chảy máu âm đạo, nhau tiền đạo, bạn có tiền sử sinh non… Nếu không có bất cứ dấu hiệu gì của các bệnh trên, các bạn vẫn có thể yên tâm ‘yêu’ mà không lo ảnh hưởng đến thai nhi.



"Chuyện ấy" được cho là an toàn với những cặp vợ chồng mang thai (Hình minh họa)

8. Con có đói khi mẹ nghén không ăn được?

Lo lắng: Khi mang thai, tôi bị ốm nghén rất nặng, thường không ăn được nhiều hoặc nếu ăn vào sẽ nôn ra hết. Liệu con tôi có bị đói không?

Lý giải: Có đến 70% phụ nữ mang thai bị ốm nghén và bạn không phải là ngoại lệ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ba tháng đầu dù mẹ bầu không ăn uống được gì nhiều thì thai nhi vẫn có thể phát triển dựa vào những chất dinh dưỡng vốn có trong cơ thể mẹ và những thứ bạn bổ sung hàng ngày như bánh quy giòn hay nước hoa quả. Thời gian ốm nghén thông thường chỉ diễn ra trong 3 tháng đầu và từ tháng thứ 4 mới là thời điểm thai nhi cần nhiều dưỡng chất để phát triển nhanh nhất.

Tuy nhiên, nếu bạn thấy cơ thể mình thực sự mệt mỏi, giảm cân quá nhiều vì ốm nghén thì lúc này nên đến gặp bác sỹ để kiểm tra.

9. Lo lắng khi bị đau nhức

Lo lắng: Tôi mang thai 22 tuần và cảm thấy đau ở phía bên phải, ngoài ra tôi thấy mình đi tiểu nhiều hơn bình thường.

Lý giải: Đau nhức là hiện tượng phổ biến khi cơ thể người mẹ thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của em bé. Hãy dùng một gói chườm ấm chườm lên chỗ đau nhức. Tuy nhiên những triệu chứng như mô tả ở trên có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng thận, thường sẽ cần phải điều trị bằng kháng sinh. Chính vì vậy, hãy đi khám để được các bác sĩ tư vấn ngay lập tức.

10. Gây tê ngoài màng cứng

Lo lắng: Tôi có được gây tê ngoài màng cứng ngay sau khi đến bệnh viện không? Tôi không muốn chờ đợi cho đến khi quá đau đớn mới được gây tê.

Lý giải: Hãy nói cho bác sĩ biết bạn muốn gây tê ngoài màng cứng hoặc có thể viết điều đó vào bản đăng ký sinh nở. Bạn sẽ không được gây tê ngoài màng cứng trước khi chuyển dạ, khi có các cơ co thắt thường xuyên và làm giãn cổ tử cung.

Trong thực tế, ở nhiều bệnh viện, khi cổ tử cung giãn khoảng 3 cm mới gây tê ngoài màng cứng, chính vì vậy hãy tìm hiểu trước ở bệnh viện mà bạn đăng ký sinh. Ngoài ra việc gây tê ngoài màng cứng còn phụ thuộc vào bác sĩ trực tiếp thực hiện, do đó hãy tìm kỹ trước khi bắt đầu sinh nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét